Tết Chôl Chnăm Thmây - Sợi chỉ đỏ gắn kết cộng đồng dân tộc Khmer

19/04/2021 2342 0

 Bình Phước là tỉnh đa sắc màu dân tộc với 41 dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển. Trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 10% trong tổng số đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Những ngày này, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh vui mừng, phấn khởi đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

VUI XUÂN GẮN KẾT

2 ngày trước tết Chôl Chnăm Thmây, bà Thị Đôi (50 tuổi), ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) đã chuẩn bị tươm tất nguyên liệu gói bánh tét để đón tết cổ truyền. Bà Đôi bộc bạch, 2 năm rồi không cảm nhận được không khí ấm áp, phấn khởi như tết cổ truyền năm nay. Gia đình chỉ có 2 chị em nương tựa vào nhau nhưng năm trước chị bà đã về với tổ tiên. Tết năm nay, bà rất vui khi các cháu, bà con quây quần tại nhà gói bánh khiến không khí ngày tết thêm rộn ràng và ấm áp.

Bà Thị Đôi (áo xanh), xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cùng con cháu và xóm giềng gói bánh tét đón tết Chôl Chnăm Thmây

Lập gia đình ở xa nhưng trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc Khmer, chị Thị Phương cũng tranh thủ trở về bên gia đình ở xã Lộc Khánh để vui xuân năm mới. Chị Phương chia sẻ: Trong những ngày tết cổ truyền, tôi phải cố gắng sắp xếp công việc để sum vầy bên người thân, bạn bè, xóm giềng; cùng lên chùa báo ân và cầu may mắn đến người thân, gia đình. Ngoài cùng nhau gói bánh tét, làm các món ăn truyền thống của gia đình, tôi còn tự tay kết bông bạc để dâng lên đức Phật.

Từ mấy ngày trước khi đến tết Chôl Chnăm Thmây, tại chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh đã diễn nhiều hoạt động tại làng văn hóa để người dân trong, ngoài tỉnh trải nghiệm văn hóa đặc sắc của cộng đồng Khmer

Từ 2 ngày trước thời khắc giao thừa, không khí tết sôi nổi, rộn ràng khắp phum, sóc đồng bào Khmer ở xã biên giới Lộc Khánh. Ông Lâm Đay, Trưởng ấp Ba Ven, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho biết: Ấp Ba Ven có 205 hộ thì có 172 hộ Khmer. Người dân chủ yếu sản xuất lúa nước... Năm nay thời tiết ôn hòa nên lúa nước sản xuất 2 vụ và được mùa nên đời sống bà con khá hơn. Trong khi đó, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt. Do đó, tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay diễn ra rộn ràng, sôi nổi và bà con vô cùng phấn khởi. Hầu như nhà nào cũng gói những nồi bánh tét ấm áp thể hiện sự sung túc, no đủ của năm qua.

Đồng bào Khmer sôi nổi, vui mừng chơi trò thả khăn trong dịp tết Chôl Chnăm Thmây sau những ngày mùa

LƯU GIỮ NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA DÂN TỘC KHMER

Vào những ngày lễ, hội, nhất là tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, ghé thăm một phum, sóc bất kỳ nơi đồng bào Khmer sinh sống đều dễ bắt gặp hình ảnh nam thanh, nữ tú, già trẻ... say sưa trong điệu múa Lâm thôn. Đặc biệt, vào những ngày chính thức của tết, đồng bào Khmer tập trung múa lâm thôn thành vòng tròn, quanh mâm quả, cây nêu đón tết. Khi tiếng nhạc cất lên, mọi người cùng uyển chuyển bước chân theo nhịp điệu, di chuyển từng vòng, say sưa với điệu múa từ bài hát này qua làn điệu khác. Nữ thì lượn 2 tay lên trước ngực thể hiện sự e lệ; nam thì dang rộng 2 tay về phía bên hông thể hiện sự mạnh mẽ, chở che cho bạn múa cùng. Điều thú vị hơn, khi cả một tập thể cùng nhau hát múa mới tạo nên vẻ đẹp đặc sắc.

Cô gái Khmer kết cây bông bạc để báo ân đức Phật, ông bà tổ tiên và cầu mong một năm mới phúc lộc, mùa màng bội thu

Chào đón tết Chôl Chnăm Thmây, tại xã Lộc Khánh - nơi có hơn 45% đồng bào Khmer sinh sống - tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như Sene Neak Ta, lễ Phá bàu, gói 1.000 bánh tét, đón chư thiên, đặt bát, diễu hành bông bạc, lễ tắm Phật, cầu siêu. Chúng tôi còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, làng văn hóa Khmer để người dân trong vùng cùng trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc mình.
Thượng tọa Thạch Nê
Trụ trì chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh cho biết

Chị Thị Oánh ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh năm nay 27 tuổi nhưng rất giỏi múa, hát các làn điệu truyền thống của đồng bào Khmer. Vừa uyển chuyển trong điệu múa Lâm thôn, chị Oánh chia sẻ: Tôi lớn trong lời ru, bài hát truyền thống của đồng bào Khmer. Ngay từ nhỏ, bà, mẹ và các chị luôn dẫn tôi đến các lễ, hội, cùng tập và tham gia các điệu múa, hát của đồng bào mình. Từ đó tôi càng yêu thích và nhuần nhuyễn các điệu múa.

“Không chỉ trong các dịp lễ, tết, ngày hội tham gia với các chị em trong phum, sóc múa hát mà tôi còn tham gia đội múa Lâm thôn biểu diễn cho khách phương xa tham quan. Tôi rất vui khi các chị em vẫn giữ được văn hóa truyền thống của đồng bào mình” - chị Oánh cho biết thêm.

Trai gái xoay tròn say trong điệu múa lâm thôn là nét văn hóa độc đáo không thể thiếu của đồng bào Khmer trong dịp tết Chôl Chnăm Thmây

Trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây không thể thiếu diễu hành dâng bông bạc lên đức Phật cầu mong gieo nhiều phúc đức và người nhận bông bạc sẽ viên mãn trong quá trình tu hành. Do đó, trước ngày tết, các gia đình khá giả sẽ tự kết cây bông bạc với các mệnh giá tiền khác nhau; những gia đình khó khăn hơn sẽ chung sức với phum, sóc cùng kết một cây lớn tại nhà văn hóa để dâng lên đức Phật. Chị Thị Hương, 40 tuổi, ở xã Lộc Khánh chia sẻ: Gia đình tôi không có điều kiện làm cây bông bạc riêng. Tôi đến nhà văn hóa, cùng các chị em khác trong sóc kết cây bông bạc chung để dâng lên chùa. Tôi cũng gửi gắm vào đó lời nguyện may mắn, sức khỏe và cầu an một năm mới mùa màng bội thu, dịch bệnh không còn.

Theo Báo Bình Phước

Related Post

Sample Plan