Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ: Khai thác tiềm năng của rừng tự nhiên

24/12/2023 583 0
BPO - Trong khuôn khổ chương trình sơ kết triển khai thực hiện thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023, sáng 22-12, tại Khu du lịch Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Vùng Đông Nam Bộ được thiên nhiên ưu ái về cảnh quan thiên nhiên, có biển, nhiều hồ lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch. Với sự đa dạng này, sản phẩm du lịch sinh thái ở Đông Nam Bộ có thể đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc du khách tùy thuộc sở thích, thời gian và cả mức chi tiêu cho mỗi chuyến du lịch.

Đại biểu dự hội nghị

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu và lãnh đạo các Sở VH-TT&DL khu vực Đông Nam Bộ chủ trì hội nghị

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đơn vị du lịch trong khu vực đã giới thiệu các điểm đến, tour, tuyến, sản phẩm du lịch của từng địa phương. Đồng thời, đánh giá về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và đề xuất, giới thiệu các tour liên kết vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới, trên cơ sở khai thác các thế mạnh riêng vốn có, trong đó nổi bật là tiềm năng du lịch sinh thái với chủ đề “Lắng nghe hơi thở của rừng”...

Bình Phước là địa bàn trung chuyển giữa miền Đông Nam Bộ với Nam Tây nguyên nên có địa hình rất đa dạng, đặc biệt có tổng diện tích rừng tự nhiên gần 56 ngàn ha. Với sóc Bom Bo đã đi vào lịch sử cùng hình ảnh đồng bào S'tiêng ngày đêm giã gạo nuôi quân đánh giặc trong những năm đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

Đại biểu thảo luận và góp ý đề xuất tại hội nghị

Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết (Căn cứ Tà Thiết) là di tích lịch sử quốc gia thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, có diện tích 3.500 ha. Căn cứ Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được thành lập ở chiến trường miền Nam. Căn cứ Tà Thiết là địa chỉ đỏ cách mạng giới thiệu truyền thống đấu tranh, nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị lịch sử cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc huyện Bù Gia Mập, có diện tích tự nhiên hơn 26 ngàn ha, nơi bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm, là nơi lý tưởng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật. Với những giá trị về cảnh quan và sinh thái, đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với các hoạt động dã ngoại, ngủ lán, tắm suối, tìm hiểu rừng thiêng, thăm khu cứu hộ... 

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu kết luận hội nghị

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu chụp hình lưu niệm tại khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Phước

Còn 512 ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 379 Mã Đà, huyện Đồng Phú có quần thể 162 Cây di sản Việt Nam, với 15 loài, trong đó có 130 cây kơ nia có tuổi đời trên 500 năm tuổi. Nơi đây hứa hẹn sẽ là một điểm du lịch thu hút du khách đam mê về lịch sử và thiên nhiên và là địa chỉ đỏ để giáo dục về tinh thần bảo vệ môi trường thiên nhiên cho thế hệ trẻ… 

Với giá trị của tiềm năng rừng, Bình Phước cũng như 4 tỉnh, thành phố có diện tích rừng tự nhiên đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị của rừng tự nhiên.

Nghệ nhân Nguyễn Duy Thảo biểu diễn bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” bằng bảo vật quốc gia “Đàn đá Lộc Hòa”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu đã đánh giá cao những kết quả mà ngành du lịch các tỉnh, thành đã đạt được qua sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong thời gian qua. Đồng thời cũng lưu ý du lịch ngày nay không mang tính đại trà mà phải đi vào chiều sâu, luôn có sản phẩm mới, mang hơi thở mới, “phong phú, đa dạng” nhưng phải khác biệt, cần khai thác chiều sâu văn hóa địa phương. Đặc biệt, cần tăng cường công tác truyền thông quảng bá, giới thiệu, xúc tiến du lịch trong thời gian tới...

Thanh Mảng - Ngọc Thuận - Bình Phước online

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu