Hướng dẫn viên
Di tích Đình thần Hưng Long tọa lạc tại khu phố 4, thị xã Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Vào khoảng năm 1850, nhóm dân cư từ vùng Phú Lợi (tỉnh Bình Dương ngày nay) lên khai khẩn vùng đất Chơn Thành và lập Đình làng để thờ Thành hoàng Bổn cảnh. Đình thần Hưng Long được khởi dựng lần đầu tại khu vực gần cầu Bến Đình (thuộc khu phố 4, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), sau đó Đình được di dời đến địa điểm khác (thuộc khu phố 3, thị trấn Chơn Thành ngày nay). Năm 1946, giặc Pháp phá sập Đình, đến năm 1963 Đình được xây dựng lại tại vị trí ban đầu. Do tọa lạc tại xã Hưng Long nên Đình lấy tên là Đình thần Hưng Long.
Đình thần Hưng Long tọa lạc trong khuôn viên rộng 5.019,7m2. Về kiến trúc, Đình gồm cổng đình, Bình phong, Miếu thờ, nhà võ ca, Chánh điện và một số công trình phụ trợ khác. Cung thờ Thành hoàng Bổn cảnh nằm chính giữa bên trong Chánh điện, có cặp hạc bằng gỗ đứng chầu. Bên trái ban thờ thần là ban thờ Thổ Địa Bát Gia, bên phải ban thờ thần thờ Trí Mạng Đế Quân. Cách bàn thờ Trí Mạng Đế Quân 2m về phía trước là bàn thờ Hậu Hiền - Người có công khai cơ. Cách bàn thờ Thổ Địa Bát Gia 2m là bàn thờ Tiền Hiền - Người có công khai khẩn. Nhà võ ca dùng để tiếp khách và tổ chức hát bội, được dựng bằng gồ, lợp ngói đỏ.
Hàng năm, tại Đình diễn ra 4 lễ chính: Lễ Khai Sơn (07/01 âm lịch), lễ Kỳ Yên (15/02 đến ngày 16/02 âm lịch), lễ Cầu Bông (16/7 âm lịch), lễ Đưa Thần (25/12 âm lịch làm lễ đưa thần và 30/12 âm lịch làm lễ rước thần). Những lễ hội tín ngưỡng dân gian tại Đình thần Hưng Long mang đặc trưng của lễ hội văn hóa vùng Nam Bộ và đặc trưng của người dân địa phương, là một phần sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian không thể thiếu của người dân Chơn Thành nói riêng, người dân Bình Phước nói chung. Những lễ lớn như: Lễ Kỳ Yên, lễ Cầu Bông hàng năm thu hút đông đảo người dân tham dự.
Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, di tích Đình thần Hưng Long được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào ngày 15/12/2004.