Hướng dẫn viên
Di tích Đình thần Tân Khai tọa lạc tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Di tích Đình thần Tân Khai được xây dựng năm 1901, do lớp cư dân đầu tiên di cư từ vùng đất Tân Khánh - Bà Trà đến vùng Tân Khai sinh cơ lập nghiệp. Nhóm cư dân này gồm có 10 hộ gia đình, trong đó có hai dòng họ là họ Huỳnh do ông Huỳnh Công Phê và họ Trần do ông Trần Văn Bầu là những người có công đầu trong việc khai phá vùng đất Tân Khai ngày nay. Đến năm năm 1912, thực dân Pháp thành lập làng Tân Khai, lấy chữ “Tân” từ “Tân Khánh” và “Khai” là khai hoang, khai phá. Tân Khai có nghĩa là làng của những người từ Tân Khánh lên sinh cơ lập nghiệp.
Đình thần Tân Khai được xây dựng trên cơ sở kiến trúc của Đình thần Bưng Cù (hay còn gọi là Miếu Ông Cù được xây dựng cách nay hơn 200 năm, tại làng Tân Khánh, tổng Bình Thiện, huyện Bình An, tỉnh Thủ Dầu Một, nay thuộc phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), trên cơ sở văn hóa, phong tục, tập quán mà nhân dân trong vùng mang theo từ quê hương Tân Khánh trong quá trình di cư lên vùng đất mới. Sau khi dựng Đình nhân dân rước Thần Hoàng làng từ Đình thần Bưng Cù về thờ và thờ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền.
Do biến cố lịch sử, đặc biệt trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đình thần Tân Khai nhiều lần bị bom giặc đánh sập, phải trải qua 11 lần di dời, trong đó có 7 lần được xây dựng kiên cố. Qua các lần xây dựng, Đình đã có diện mạo như ngày hôm nay. Đình có tổng diện tích 2.783,2m2, trong đó có các công trình: Chánh điện, Nhà giảng (võ ca), Đông lang, Bình phong…
Di tích Đình thần Tân Khai là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Hằng năm, tại di tích diễn ra hai lễ hội lớn: Lễ Kỳ Yên vào ngày 18/3 âm lịch, ý nghĩa là cầu cho quốc thái dân an. Lễ Cầu Bông được tổ chức lớn nhất trong năm, diễn ra vào ngày 18/8 âm lịch, được tổ chức ba năm đáo lệ một lần, thời gian tổ chức từ 02 đến 03 ngày, có ý nghĩa như một nghi lễ mở đầu cho một mùa mới để cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Bên cạnh đó, Đình thần Tân Khai còn diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống, được tổ chức và duy trì từ ngày lập Đình cho đến ngày nay. Điểm đặc biệt của lễ hội chọi trâu Đình thần Tân Khai là các ông trâu sau khi chọi, dù thắng hay thua đều không bị giết thịt mà được chăm sóc phục vụ việc cày cấy và nhân giống.
Di tích Đình thần Tân Khai được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 18/8/2014.