LỄ CÔNG BỐ DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG NGHỀ ĐAN GÙI VÀ DỆT THỔ CẨM CỦA NGƯỜI S’TIÊNG BÌNH PHƯỚC

15/05/2024 15/08/2024

Xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

490 0

Chương trình Lễ công bố Di sản phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống nghề Đan gùi và Dệt thổ cẩm sẽ được diễn ra Sáng ngày 15 tháng 5 năm 2024 tại Ban quản lý Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập xã Bù Gia Mập huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước

Người S’tiêng đan gùi bằng cây lồ ô, để đan một chiếc gùi phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó việc chọn cây lồ ô là quan trọng nhất, phải chọn những cây thẳng, có lóng dài, không được non quá và cũng không được già quá, cây lồ ô đủ tiêu chuẩn có độ tuổi khoảng 2 năm. Sau khi đã chọn được cây vừa ý, người ta dùng dao cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, chẻ mỏng thành kích cỡ mong muốn, sau đó vót trơn bề mặt mỗi nan, tẩm màu cho nan để tạo hoa văn theo ý muốn, cuối cùng là đan. Đan gùi phải đan từ phần đáy trước và đây cũng là phần khó nhất, người đan phải vững tay nghề. Sau khi làm xong phần đáy, người ta làm khung để đan thân gùi đến miệng, gùi đan xong thường được gác lên gác bếp để tăng độ bền

Dệt thổ cẩm do người phụ nữ đảm nhiệm, để dệt một tấm vải thổ cẩm, người S’tiêng phải trải qua nhiều công đoạn theo nhiều quy trình phức tạp. Màu sắc để nhuộm sợi vải chủ yếu sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên. Trong các công đoạn, khâu dệt là công đoạn quan trọng nhất để làm ra tấm thổ cẩm. Khi dệt thổ cẩm, khung dệt được cột chắc vào thân của người phụ nữ. Phải có sự kết hợp linh hoạt giữa chân, lưng và tay của người phụ nữ. Với đồng bào dân tộc S’tiêng hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm là những hình ảnh mang ý nghĩa vô cùng thân thuộc. Trong đó chủ yếu là các hình tượng truyền thống như các hình khối, người, chim thú, cây cối, hoa lá và nhiều hoa văn họa tiết khác được thể hiện trong từng ô vuông nhỏ, cân đối. Để tạo được các hoa văn tinh xảo, độc đáo, người phụ nữ dân tộc S’tiêng phải có hoa tay, có óc thẩm mỹ, cùng sự am tường về các đường nét, màu sắc, hình khối. Bằng đôi tay khéo léo, sự cần cù, óc sáng tạo những phụ nữ dân tộc S’tiêng đã dệt nên những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo, độc đáo với nét văn hóa đặc trưng phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình đồng thời còn là lễ vật cho những lễ hội truyền thống. Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào trở thành sản phẩm du lịch, đem lại giá trị vật chất và tinh thần to lớn.

Chương trình Lễ công bố Di sản phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống nghề Đan gùi và Dệt thổ cẩm sẽ được diễn ra Sáng ngày 15 tháng 5 năm 2024 tại Ban quản lý Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập xã Bù Gia Mập huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước. Với 02 phần Lễ và phần trình diễn thực hành nghề Đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của các nghệ nhân đến từ các huyện thị trong tỉnh Bình Phước.

Nguồn: BQL Vườn quốc gia Bù  Gia Mập

Bản đồ

Lịch trình mẫu