Để du lịch Bình Phước cất cánh

17/11/2023 652 0
BPO - Với bề dày lịch sử trải qua các cuộc kháng chiến, đã để lại cho Bình Phước nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đồng thời là tỉnh biên giới, với nét văn hóa được tích hợp từ 41 thành phần dân tộc tạo nên Bình Phước có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng. Văn hóa, du lịch Bình Phước được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Để đánh thức vẻ đẹp này cần sức mạnh tổng hợp từ chủ trương, chính sách đến tài chính mới có thể đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn.Bài 1: NHIỀU TIỀM NĂNG, LỢI THẾ

Bài 1:
NHIỀU TIỀM NĂNG, LỢI THẾ

 

Bình Phước có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch, bởi nơi đây quy tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các sản phẩm văn hóa phi vật thể, tạo nên dấu ấn riêng của vùng đất này.

Huyện có nhiều di tích nhất tỉnh

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 45 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh. Hiện còn 40 di tích đã được kiểm kê, đủ điều kiện lập hồ sơ xếp hạng. Các di tích được xếp hạng đều có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, cảnh quan, địa chất, địa mạo phục vụ khách tham quan, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn.

Hiệp Hội du lịch Tây Ninh khảo sát cung đường, điểm đến, dịch vụ du lịch đi kèm trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong ảnh: Đoàn tham quan, tìm hiểu về di tích Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Là huyện biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Lộc Ninh trong quá khứ hay hiện tại vẫn có vị trí chiến lược quan trọng về địa chính trị, văn hóa của Bình Phước. Trên địa bàn huyện hiện có 24 di tích lịch sử - văn hóa từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia đặc biệt và 11 di tích thuộc danh mục kiểm kê chưa được xếp hạng. Trong đó có 18 di tích lịch sử - văn hóa do huyện quản lý. Nhiều năm nay, Lộc Ninh được xem là địa chỉ đỏ trong các hoạt động tham quan, du lịch về nguồn. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết); Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98; Bệnh viện Lộc Ninh - công trình kiến trúc cổ thời Pháp thuộc; trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Địa điểm chiến thắng Dốc 31. Hay mới đây là Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của nguyên Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại xã Lộc Tấn…

Đoàn công tác của Hiệp hội Du lịch Tây Ninh khảo sát, tham quan tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh

Địa điểm chiến thắng Dốc 31, huyện Lộc Ninh là địa chỉ về nguồn của du khách trong và ngoài tỉnh

Với nhiều địa danh lịch sử trong kháng chiến, Lộc Ninh được xem là kho tàng di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh. Cùng với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc S’tiêng, Khmer và là huyện tiếp giáp với nhiều đơn vị hành chính của Vương quốc Campuchia, Lộc Ninh đã và đang trở thành địa điểm tham quan, du lịch về nguồn nổi tiếng với du khách gần xa.

Lộc Ninh là vùng đất truyền thống cách mạng, nơi lưu giữ những dấu ấn hào hùng của người dân Bình Phước cũng như các thế hệ anh hùng đi trước đã đóng góp làm nên chiến thắng vẻ vang, thống nhất đất nước. Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện là những mốc son lịch sử mà thế hệ đi trước đã để lại cho Bình Phước và các thế hệ mai sau. Hiện phần lớn các di tích được quản lý tốt, phát huy được giá trị, ý nghĩa về lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số di tích bị xuống cấp, chưa được đầu tư, tu bổ tương xứng.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài
HÀ ANH DŨNG

 

Ông Nguyễn Sĩ Quân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lộc Ninh cho biết: Với lợi thế về phát triển du lịch tâm linh, về nguồn, Lộc Ninh đã ghi dấu ấn trong lòng du khách. Để thực hiện tốt việc quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện, rất mong Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh có thêm nhiều chính sách hơn nữa trong công tác xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động này; thu hút dự án đầu tư khai thác du lịch tại các di tích có thế mạnh của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để huyện thực hiện bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. 

Đa dạng và phong phú

Bù Đăng tiếp giáp khu vực Tây Nguyên, có thế mạnh phát triển du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Toàn huyện có 3 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, 7 di tích đã kiểm kê. Bù Đăng có hệ thống thác nước đa dạng như: Thác Voi (thác Liêng Rót), trảng cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai) và thác Pan Toong (xã Đức Liễu), thác Bù Xa (xã Phước Sơn); những nhân chứng lịch sử trong chiến tranh và là tượng đài lịch sử - văn hóa như già làng Điểu Đố, Điểu Lên… Họ là nhân chứng sống trong các cuộc kháng chiến cho đến thời bình, trở thành mắt xích, kết nối giữa lịch sử với thế hệ trẻ hôm nay.

Du khách tham quan, thưởng ngoạn thác nước đẹp và giao lưu văn hóa với người dân địa phương tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Đến với Bù Đăng, du khách có thể bỏ qua những bộn bề cuộc sống để hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm buổi chiều hoàng hôn trên trảng cỏ mênh mông ở xã Đồng Nai, hay tiếng nước chảy của thác Đứng ở xã Đoàn Kết, hoặc về với sóc Bom Bo (xã Bình Minh) để được nghe những câu chuyện hào hùng về một thời đồng bào giã gạo nuôi quân… Bù Đăng là nơi ghi dấu chi bộ đầu tiên được thành lập - Chi bộ Vĩnh Thiện để lãnh đạo quân và dân Bù Đăng đứng lên đấu tranh giành độc lập. Ngày nay, địa danh này trở thành địa chỉ đỏ về nguồn của tuổi trẻ, cựu chiến binh và nhân dân trên địa bàn.

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng hằng năm thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm

Du khách đến với huyện Bù Gia Mập sẽ được thưởng thức các tiết mục cồng chiêng do chính đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây biểu diễn

Lợi thế của Bình Phước là mỗi huyện, thị xã, thành phố có thế mạnh du lịch khác nhau. Nếu Bù Đăng là nơi đã tạo ra rất nhiều nghệ nhân, “bức tượng sống” về văn hóa của đồng bào dân tộc S’tiêng như già làng Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong; Lộc Ninh là bức tranh toàn diện về những mốc son lịch sử hào hùng của vùng đất và con người Bình Phước; thì Bù Gia Mập có lợi thế phát triển du lịch trải nghiệm, là điểm đến của giới trẻ và những người có xu hướng sống trải nghiệm. Hằng năm, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đón hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, khám phá; đắm mình trong dòng nước mát từ các con suối trong xanh uốn lượn trong vườn quốc gia rộng lớn với diện tích hơn 25.589 ha…

Với khối lượng đồ sộ về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các sản phẩm văn hóa phi vật thể giúp Bình Phước trong tương lai không xa sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ ở khu vực, trong nước mà còn thu hút du khách nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút khách du lịch cũng như phát huy các giá trị di tích xứng với tiềm năng hiện có, Bình Phước cần định vị lại lĩnh vực này để có hướng phát triển đúng, phù hợp thực tế cũng như xu hướng du lịch hiện nay.

Ngọc Bích/Báo Bình Phước

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu