Bình Phước khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

10/12/2023 505 0
Là tỉnh trung du miền núi, thời gian qua, Bình Phước đã triển khai nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, qua đó thiết thực nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tốt công tác bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số và thiên nhiên đa dạng sinh học trên địa bàn.

Nằm ở đoạn cuối phía Nam dãy Trường Sơn, Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) là cánh rừng nguyên sinh lớn nhất của tỉnh Bình Phước. Nắm bắt được tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Vườn quốc gia Bù Gia Mập triển khai nhiều đề tài khoa học kịp thời củng cố cơ sở vật chất, tạo dựng danh lam, thắng cảnh; bảo tồn các loài động vật, thực vật phong phú và phát huy nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương.

Nhờ vậy, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách tới tham quan, nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng, tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Phước với nhiều trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng.

Bình Phước khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Du khách hào hứng tham quan, trải nghiệm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. 

Chị Nguyễn Thị Ngân, ngụ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Ấn tượng bắt mắt ngay với chúng tôi khi đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập là không gian hoang dã, nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm. Tại đây, chúng tôi được hít thở bầu không khí trong lành và được ngắm nhìn vườn cây di sản, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên thơ mộng. Chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn đặc sản làm từ nguyên liệu sẵn có của đồng bào dân tộc thiểu số như: Cơm lam, rau nhíp, thịt lợn rừng, canh thục... Chuyến du lịch ý nghĩa giúp gia đình tôi thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng".

Không chỉ tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Khu du lịch sinh thái Bù Đốp (huyện Bù Đốp), rừng cao su Bù Đăng (huyện Bù Đăng)... cũng đẩy mạnh cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các dịch vụ thu hút du khách. Đến các địa chỉ này, du khách được tham quan, trải nghiệm, chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ-nơi giao thoa sinh thái với sông nước và mây trời độc đáo của núi rừng.

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, nhưng thực tế hoạt động vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái, từng bước đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn, giữ chân du khách.

Bình Phước khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
 Đội văn nghệ xung kích tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành du lịch địa phương đã chủ động khảo sát, đánh giá, xây dựng bộ dữ liệu về tranh, ảnh, hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của vùng đất và con người Bình Phước để tổ chức in ấn, chế tác thành các tác phẩm làm quà tặng. Đến nay, Bình Phước đã hoàn thành bộ dữ liệu quà tặng của tỉnh với 26 mẫu. Bên cạnh đó, ngành du lịch chú trọng tổ chức khảo sát, đánh giá các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, điểm du lịch; lựa chọn các món ăn đặc trưng; mời các chuyên gia ẩm thực đánh giá; lập danh mục ẩm thực du lịch Bình Phước và tổ chức công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, trong đó, nhiều món đã được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vinh danh.

Bình Phước cũng xây dựng các tour du lịch mẫu (Phước Long-Bù Gia Mập, Bom Bo-Trảng cỏ Bù Lạch và Tà Thiết-điểm X16) để rút kinh nghiệm xây dựng các tour du lịch trong tỉnh và liên kết với các địa phương trong cả nước. Trong xây dựng các tour du lịch, các đơn vị chú ý xây dựng những điểm dừng chân để du khách có thể quan sát, chiêm ngưỡng phong cảnh; đồng thời chọn một số tuyến ngắn để tạo nhiều hoạt động trải nghiệm ấn tượng.

Các khu du lịch sinh thái ở Bình Phước có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, ngành du lịch tỉnh chú ý xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án khoa học về phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa, lễ hội văn hóa truyền thống, ngành, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Địa phương có những chính sách về sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng, chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển các mô hình sản xuất gắn với tự nhiên, bảo đảm tăng thu nhập cho bà con; góp phần giáo dục nhận thức về môi trường, xây dựng những hoạt động trải nghiệm đích thực, phát triển du lịch bền vững.

Các địa phương cũng quan tâm triển khai biện pháp để khắc phục xây dựng sản phẩm du lịch mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp. Ngành du lịch đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, trường đại học để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng kỹ năng mềm, ứng xử du lịch, nâng cao trách nhiệm của mọi người dân trong tham gia phát triển du lịch sinh thái. Bình Phước đã triển khai nhiều cách quảng bá du lịch sinh thái thông qua kết nối internet, phát triển mô phỏng địa điểm du lịch với hình ảnh, video, yếu tố đa phương tiện như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc...

Những cách làm này đã giúp Bình Phước từng bước phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch sinh thái, tạo nhiều điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ghi nhận trong quý III-2023, Bình Phước đã đón hơn 243.900 lượt du khách, tăng 10,3% so với quý II-2023.

Bài và ảnh: DUY LIÊN - Báo QĐND

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu