Ở vị trí cửa ngõ của tỉnh Bình Phước, huyện Đồng Phú được xem là vùng đất có khí hậu nóng nhất tỉnh. Hồ Suối Giai được hình thành cùng với quá trình xây dựng và kiến thiết đất nước ngay từ những năm đầu sau giải phóng. Từ một bàu nước nhỏ, để phục vụ cho tưới tiêu, ổn định mạch nước ngầm và điều hòa khí hậu, hồ đã được đầu tư nạo vét, xây đập trữ nước. Hiện nay, với diện tích mặt nước khoảng 420 ha, hồ Suối Giai trải rộng trên địa bàn 2 xã Tân Lập, Tân Tiến và thị trấn Tân Phú với chiều dài khoảng hơn 15km. Với nguồn nước dồi dào, trong xanh, lại nằm ở vị trí trung tâm của huyện, cùng với hệ thống giao thông kết nối liên vùng, được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, điện, nhà quản lý vận hành, hơn 40 năm qua, hồ gắn bó với người dân nơi đây, là nơi cung cấp nước sạch, nước sinh hoạt và nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích hàng ngàn héc ta của huyện Đồng Phú và một phần huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Một góc hồ Suối Giai, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú
Thanh bình trên sông nước Đồng Phú
Với mặt nước trong xanh, yên bình và không gian xanh tự nhiên, hai bên hồ Suối Giai là những triền đồi rợp bóng cây xanh, những thảm cỏ hoa thanh bình, là nơi tìm về của nhiều loài chim quý. Đến với hồ Suối Giai, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác thoải mái khi đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ. Thả mình trong làn nước mát trong xanh và cực kỳ tĩnh lặng. Du khách cũng có thể cất vó, bắt cá ngay trên lòng hồ và ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp. Tất cả tạo nên một không gian thiên nhiên trữ tình, thơ mộng.
Hai bên hồ Suối Giai rợp bóng cây xanh tạo nên cảnh sắc thiên nhiên thanh bình và tươi mát
Để ngăn và trữ nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, nơi đây, người dân đã đắp một con đập nhỏ. Đó là đập Bà Mụ. Không chỉ để giữ nước, đập còn góp phần kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế, mà còn tạo nên cảnh quan sông nước tươi mát, một điểm đến đầy hấp dẫn và thú vị.
Đập Bà Mụ có từ khi nào và tại sao có tên là đập Bà Mụ là điều ít ai biết đến. Chỉ biết rằng, nơi đây trước kia chỉ là một con lạch nhỏ, nước chảy quanh năm từ các khe núi xuống. Để thuận tiện trong việc đi lại, người dân nơi đây đã dựng một cây cầu nhỏ bắt qua con lạch. Sau này, để ngăn dòng, trữ nước và cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho người dân, nơi đây đã được đầu tư xây dựng một con đập kiên cố, vững chắc cho đến ngày nay. |
Vắt mình giữa làn nước trong xanh, đập Bà Mụ kết nối đôi bờ, tạo thế giao thông liên vùng, mở đường cho sự phát triển kinh tế. Với lợi thế nguồn nước dồi dào, trong xanh và không gian thiên nhiên thoáng đãng, hòa trong tiếng róc rách, ì ào từ con đập, nơi đây đang là điểm đến tham quan, khám phá của nhiều du khách.
Đập Bà Mụ kết nối đôi bờ, tạo thế giao thông liên vùng, mở đường cho sự phát triển kinh tế
Đập Bà Mụ quanh năm nước chảy, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt và điều hòa khí hậu
Cách TP. Hồ Chí Minh khoảng hơn 100km, khu du lịch đảo yến Sơn Hà thuộc khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú có diện tích hơn 10 ha. Đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng với lợi thế ven hồ, không gian xanh tươi mát, khu du lịch sinh thái đảo yến Sơn Hà đã đầu tư đồng bộ các loại hình dịch vụ liên hoàn gồm khu vui chơi, ẩm thực, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Lịch sử kể rằng, xưa kia, đảo yến Sơn Hà chỉ là một khu đồi nhỏ, sau khi đắp đập trữ nước thì hình thành nên đảo nhỏ. Giữa vùng đất miền Đông Nam Bộ núi liền núi, sông liền sông, rừng xanh bạt ngàn, ở huyện Đồng Phú có một con đảo nhỏ giữa trung tâm phố thị, trở thành tâm điểm khơi dậy trí tò mò đam mê khám phá cho du khách thập phương. Cũng chính sự lạ lùng, mới mẻ và hoang sơ đó đã tạo nên nét riêng hấp dẫn của đảo yến Sơn Hà.
Đảo yến Sơn Hà nhìn từ trên cao
Hươu được nuôi trên đảo yến Sơn Hà, phục vụ tham quan trải nghiệm của du khách
Với lợi thế đất đai rộng lớn, hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, cùng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, Đồng Phú đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Các công trình hồ Suối Giai, đập Bà Mụ và đảo yến Sơn Hà hứa hẹn là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư trong tương lai.
Đặc biệt, ở vị trí chiến lược quan trọng, kết nối giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nguyên, huyện Đồng Phú đã được UBND tỉnh thuận chủ trương đầu tư đường vành đai kết nối các khu công nghiệp Đồng Xoài và Đồng Phú ngang qua hồ Suối Giai, đập Bà Mụ, mở ra không gian cho sự phát triển.
Minh Luận - Tiến Dũng. Theo Báo Bình Phước online